Tại Kế hoạch ban hành kèm tại Nghị quyết 122/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng và nền kinh tế trước những tác động ngày càng rõ rệt của khí hậu cực đoan.
Kế hoạch cũng yêu cầu đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhằm phòng, chống thiên tai và nâng cao năng lực chống chịu cho hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội. Các giải pháp được định hướng phải mang tính chủ động, thông minh và linh hoạt.

Đồng thời, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu cần được tăng cường, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2030 là 80% số hộ dân sống tại vùng thường xuyên chịu thiên tai có nhà ở an toàn.
Song song đó, Việt Nam sẽ kiểm soát chặt chẽ phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm 15,8% tổng lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).
Nỗ lực tiết kiệm năng lượng cũng được đẩy mạnh, phấn đấu giảm 7-10% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với BAU.
Việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng xanh và bền vững là mục tiêu quan trọng, với tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20%.
Ngoài các mục tiêu hạ tầng, kế hoạch còn đặt ra yêu cầu về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ khai thác bền vững tài nguyên nước, khoáng sản, đến tăng tỷ lệ xử lý nước thải, chất thải rắn, và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.